TP.HCM đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030 sẽ đầu tư xây dựng từ 69.000 - 93.000 căn nhà ở xã hội…
Hơn 40 doanh nghiệp đã tham dự hội nghị “Xúc tiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030”, do do UBND TP.HCM tổ chức vào sáng 06/12/2024.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết trong chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng từ 69.000 - 93.000 căn nhà ở xã hội. Trong đó, khoảng thời gian 2021-2025, thành phố dự kiến phát triển 26.200 đến 35.000 căn.
PHẤN ĐẤU ĐẠT 93.000 CĂN NHÀ Ở XÃ HỘI
Đến nay, thành phố đang triển khai 10 dự án, trong đó có 06 dự án đã hoàn thành và 04 dự án đang thi công, với gần 6.000 căn hộ.
Ông Cường cho rằng đây là kết quả khiêm tốn, rất thách thức để đạt các chỉ tiêu trong thời gian tới. Nguyên nhân còn nhiều vướng mắc, từ quy hoạch, quy trình, thủ tục chấp thuận đầu tư và các thủ tục...
Thời gian qua, thành phố cũng đã kiến nghị và ban hành nhiều chính sách, trong đó có nhiều kiến nghị đã được đưa vào lồng ghép trong Nghị quyết 98 để thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù về đất đai, quy hoạch, đầu tư nhà ở xã hội… nhằm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao và hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2030 phải hoàn thành ít nhất 93.000 căn nhà ở xã hội.
Qua hội nghị này, TP.HCM mong muốn thông tin đến nhà đầu tư về các cơ chế chính sách ưu đãi theo quy định pháp luật về đầu tư đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản nhằm thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn. Giới thiệu danh mục các quỹ đất đất để mời gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm đăng ký tham gia phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, thành phố mong muốn nhận được các đề xuất, hiến kế về giải pháp giúp phát triển nhà ở xã hội nhanh, bền vững.
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, thành phố cam kết các sở ngành, quận huyện sẽ có sự tập trung cao để làm tốt phần của mình trong phát triển nhà ở xã hội, công tác quy hoạch chuẩn bị đất đai, kết nối hạ tầng, các chính sách theo quy định đặc biệt là vấn đề phối hợp để giải quyết các thủ tục dự án.
Đối với các dự án nhà ở xã hội mới, thành phố đề nghị phối hợp chặt chẽ để làm nhanh, làm đúng. Riêng với các dự án nhà ở xã hội đã triển khai dang dở, đề nghị các chủ đầu tư phải rà soát thực hiện cho hoàn thiện.
"Thành phố đang thực hiện triển khai rà soát và có các biện pháp cứng rắn đối với những trường hợp này. Thậm chí sẽ có biện pháp phong tỏa, cưỡng chế, xử lý trách nhiệm...", ông Mãi nhấn mạnh.
MỜI ĐẦU TƯ 07 DỰ ÁN NHÀ Ở XÃ HỘI
Tại hội nghị xúc tiến lần này, TP.HCM mời gọi đầu tư vào 02 dự án nhà ở xã hội và xúc tiến đầu tư vào 05 khu đất dự kiến xây dựng nhà ở xã hội với khoảng 3.800 căn hộ.
Cụ thể, 02 dự án được TP.HCM mời gọi đầu tư gồm: khu nhà ở phường Trường Thạnh (TP. Thủ Đức) với diện tích 9.804 m2, quy hoạch xây 06 tầng với 300 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 868 tỷ đồng; lô số 6 Khu tái định cư 38 ha phường Tân Thới Nhất (quận 12), diện tích 11.836 m2, quy hoạch xây dựng 12 tầng với 540 căn hộ, tổng mức đầu tư dự kiến 616 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, 05 khu đất dự kiến xúc tiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với tổng diện tích 252.140 m2, gần 2.962 căn hộ. Tại quận 4 có 02 khu đất là Ụ Stic-360 Bến Vân Đồn, diện tích 7.284 m2, dự kiến xây 315 căn hộ; khu đất 61B đường số 16, diện tích 3.784 m2, dự kiến xây 230 căn hộ.
Ba khu đất còn lại nằm trên địa bàn TP. Thủ Đức, gồm: Khu đất tại thửa 1-1 tờ bản đồ số 24 phường Phước Long B với diện tích 8.872 m2, dự kiến xây 192 căn hộ; khu đất diện tích 30.500 m2 phường Long Thạnh Mỹ, dự kiến xây 1.225 căn hộ; khu đất diện tích 201.700 m2 tại phường Long Thạnh Mỹ, dự kiến xây dựng 1.000 căn hộ.
Bên cạnh đó, TP.HCM cam kết sẽ hoàn chỉnh phần việc của mình trong phát triển nhà ở xã hội, từ khâu quy hoạch, chuẩn bị đất đai, kết nối hạ tầng, các chính sách theo quy định, đặc biệt là vấn đề phối hợp để giải quyết thủ tục dự án.
Lãnh đạo thành phố đề nghị các sở ngành, quận huyện rà soát để rút ngắn thời gian triển khai dự án, từ đó, chuẩn bị dự án trong 06 tháng, khởi công đến hoàn thành là một năm.
Ngoài ra, TP.HCM cũng đang triển khai dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch. Theo khảo sát có khoảng 46.000 hộ đang sống trên và ven kênh rạch cần di dời. Với số lượng rất lớn, thành phố cũng kêu gọi các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia vào như một trách nhiệm xã hội.
-Ban Mai
Theo VnEconomy - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới.
https://vneconomy.vn