UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý đối với trường hợp cho thuê đất vi phạm quy định của pháp luật; kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp dự án bất động sản chưa đủ điều kiện pháp lý đã đưa vào kinh doanh…
Để thực hiện nghiêm minh pháp luật về đất đai, tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai trong thời gian tới; đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 4/12, về tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn thành phố...
Chỉ thị nêu rõ trong những năm qua, công tác quản lý đất đai tại thành phố đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển ổn định, hài hòa giữa các lĩnh vực kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý đất đai của thành phố vẫn còn tồn tại những hạn chế như:
Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa triệt để, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu chia sẻ thông tin giữa cơ quan Trung ương và địa phương nên còn tình trạng chuyển đơn, hướng dẫn lòng vòng, gây mất thời gian và bức xúc cho người dân; vẫn còn xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất, xây dựng công trình trái phép tại một số nơi trên địa bàn thành phố; công tác thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ; công tác tham mưu, xây dựng, ban hành chính sách pháp luật về đất đai còn nhiều bất cập; pháp luật về đất đai và các chuyên ngành khác còn chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn cho tố chức, doanh nghiệp và người dân.
Để thực hiện nghiêm minh pháp luật đất đai, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện; các đơn vị liên quan tập trung thực hiện một số nhiệm vụ:
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai 2024 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn có liên quan đến toàn thể Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức và Nhân dân về vị trí, vai trò công tác quản lý, sử dụng đất đai, tạo sự chuyển biến tích cực và đưa công tác quản lý Nhà nước về đất đai đi vào nề nếp, đúng pháp luật, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên đất đai một cách hợp lý, hiệu quả; tiến hành rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thuộc thẩm quyền của UBND thành phố đã ban hành; bãi bỏ các quy định không còn phù hợp; đồng thời, tập trung triển khai xây dựng, tham mưu các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND thành phố quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Đất đai 2024 và các Nghị định của Chính phủ đảm bảo tính đồng bộ và chế tài cao.
Chỉ thị 06 cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực hiện Đề án "Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đất đai trong các kết luận Thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố" của Chính phủ theo ý kiến chỉ đạo của Trung ương tại Kết luận số 77-KL/TW ngay 2/5/2024 của Bộ Chính trị để khơi thông nguồn lực, nhằm triển khai hiệu quả lợi thế và tiềm năng về đất đai của thành phố, hướng đến các nguồn lực mới, phù hợp với thực tế và định hướng phát triển thành phố.
Đối với các dự án, công trình sự nghiệp, các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động nhưng chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất thì các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện, các đơn vị sự nghiệp công lập khẩn trương liên hệ cơ quan Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, kê khai và đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Cùng với đó, phải thẩm định, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch chi tiết 1/500 và việc điều chỉnh quy hoạch tại các dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; hướng dẫn các chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch đảm bảo theo đúng quy định; thực hiện kiểm trạ, rà soát thống kê đầy đủ 100% và đánh giá lại tình hình quản lý, sử dụng quỹ đất công ích (đất 5%) của các địa phương đảm bảo sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích; thường xuyên cập nhật vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý đối với trường hợp cho thuê đất vi phạm quy định của pháp luật; đồng thời, truy thu các nghĩa vụ tài chính để tránh gây thất thoát (nếu có).
Tổ chức rà soát, thống kê các trường hợp tồn đọng, vướng mắc chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (nếu có), có giải pháp giải quyết việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đảm bảo quy định và quyền lợi của Nhân dân; tổ chức kiểm tra các hoạt động môi giới có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản tại địa phương, thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định pháp luật tại các khu vực có dự án bất động sản, khu công nghiệp và các khu vực đấu giá quyền sử dụng đất. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm trường hợp các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện pháp lý đã đưa vào kinh doanh…
-Ngô Anh Văn
Theo VnEconomy - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới.
https://vneconomy.vn