Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết tính đến cuối năm 2024, toàn thành phố còn hơn 3.000 khu đất trống bỏ hoang, nhiều khu đất đang bị lấn chiếm sử dụng bất hợp pháp...
Trả lời chất vấn đại biểu tại kỳ họp lần thứ 21 (kỳ họp cuối năm 2024) Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 mới đây, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết trong thời gian qua, cơ quan này đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương xử lý tình trạng người dân tự ý chiếm dụng các khu đất công do Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố quản lý.
Cụ thể, tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, lực lượng chức năng phát hiện 21 vị trí đất công đang bị người dân chiếm dụng dưới nhiều hình thức, chủ yếu là hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống. Sở đã phối hợp với địa phương xử lý 16 trường hợp. Tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, có 435 vị trí đất công đang bị chiếm dụng, lực lượng chức năng đã xử lý 350 trường hợp.
Theo quan sát của VnEconomy, không chỉ ở quận Liên Chiểu mà tại các địa phương trên địa bàn quận Sơn Trà, Ngũ Hoành Sơn, cũng còn không ít khu đất trống bỏ hoang nhiều năm chưa đưa vào sử dụng, bị người dân lấn chiếm, dựng tạm quán bán hàng ăn uống hoặc làm nơi đổ rác thải rắn khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần ra quân xử lý nhưng đến nay, tình trạng nhiều khu đất vẫn chưa được đưa vào sử dụng, để cỏ hoang, lau lách mọc um tùm.
Theo thống kê của ngành Tài nguyên và Môi trường, toàn thành phố Đà Nẵng còn hơn 3.000 khu đất trống bỏ hoang; trong đó, có 141 khu đất lớn. Hiện có nhiều khu đất đang bị lấn chiếm sử dụng bất hợp pháp. Các khu đất trống phần lớn là đất thuộc các dự án phân lô cho mục đích tái định cư, đấu giá quyền sử dụng đất có thời hạn và số còn lại là các dự án quỹ đất giành đấu giá, cho thuê thương mại… Ngoài ra, còn nhiều lô đất trống đã có chủ nhưng nhiều năm qua chưa đưa vào sử dụng cỏ mục um tùm, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.
Thời gian qua, Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Đà Nẵng đã tổ chức đấu giá thành công 5 khu đất lớn, 39 khu đất phân lô. Tổng số tiền thu được là hơn 269 tỉ đồng. Hiện nay, đơn vị đang quản lý 349 khu đất lớn và 20.402 lô đất tái định cư.
Để chống lãng phí tài nguyên đất chưa sử dụng, UBND thành phố Đà Nẵng đã thống nhất thông qua Đề án cho phép đấu giá, khai thác tạm quỹ đất công còn trống theo hình thức ngắn hạn. Qua đó, giúp tháo gỡ một phần vướng mắc về quy trình, thủ tục để sớm đưa các quỹ đất trống vào sử dụng cũng như ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép.
Đặc biệt mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 4/12 về tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn thành phố, nhằm quyết liệt thực hiện nghiêm minh pháp luật về đất đai, tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai trong thời gian tới; đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai.
Chỉ thị này yêu cầu các đơn vị chức năng và chính quyền các địa phương khẩn trương tiến hành thẩm định, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch chi tiết 1/500 và việc điều chỉnh quy hoạch tại các dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; hướng dẫn các chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch đảm bảo theo đúng quy định; thực hiện kiểm tra, rà soát thống kê đầy đủ 100% và đánh giá lại tình hình quản lý, sử dụng quỹ đất công ích (đất 5%) của các địa phương, đảm bảo sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích; thường xuyên cập nhật vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý đối với trường hợp cho thuê đất vi phạm quy định của pháp luật.
Các địa phương, sở, ngành kiên quyết xử lý trường hợp cho thuê đất vi phạm quy định như cho thuê tạm, cho mượn đất trái phép, sử dụng không đúng đối tượng, không đúng mục đích, không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, không thiết lập đầy đủ thủ tục, hồ sơ thuê đất theo quy định; đồng thời, truy thu tiền thuê đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất… đối với các dự án chưa chấp hành nghĩa vụ tài chính để tránh gây thất thoát.
Với các biện pháp mạnh nêu trên, hy vọng hàng nghìn khu đất trống trên địa bàn Đà Nẵng sớm được đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả, tăng nguồn thu ngân sách thành phố, đảm bảo vệ sinh môi trường sinh sống và cảnh quan của điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
-Ngô Anh Văn
Theo VnEconomy - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới.
https://vneconomy.vn